Góp phần vào thành tích 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc của đoàn Việt Nam tham dựCuộc thi sáng tạo Khoa học Công nghệ trẻ (IEYI) năm 2013 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) có 2 học sinh lớp 11 của Hà Nội là Nguyễn Châu Anh và Nguyễn Đăng An.


Với đề tài của mình, hai "nhà khoa học tuổi teen" mong muốn “hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong các khu đô thị" được áp dụng rộng rãi, để ngày càng nhiều người dân được ăn rau sạch, đảm bảo sức khỏe.
Nguyễn Châu Anh học sinh lớp 11 Hóa 1 trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam và Nguyễn Đăng An lớp 11 T1 trường trung học phổ thông Thăng Long cho biết, khởi phát ý tưởng "Hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong các khu đô thị" rất đơn giản, do hàng ngày nghe bố mẹ than phiền, đi chợ mua rau cho gia đình chẳng biết đâu là rau sạch, ăn không an tâm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cao.

Do ở gần nhà, lại cùng trang lứa, Châu Anh và Đăng An chơi với nhau từ nhỏ nên dễ chia sẻ, hiểu nhau và điều quan trọng nhất là có cùng niềm đam mê cháy bỏng trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ban đầu cả hai ấp ủ ý tưởng, rồi âm thầm bàn bạc đưa ra hướng phát triển đề tài, cùng chung sức thực hiện. Bằng số tiền ít ỏi tiết kiệm được, hai em đã dành dụm để mua vật dụng làm mô hình.

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên Châu Anh và Đăng An cũng phải nhờ trợ giúp từ phía gia đình. Khi trình bày ý tưởng với phụ huynh, hai em đã nhận được sự tán thưởng cả tinh thần và vật chất. Bên cạnh đó, một động lực lớn nữa là các em được sự chia sẻ động viên của các thầy, cô và bạn bè trong trường đã giúp hoàn thành đề tài trong vòng bảy tháng.

Theo em Nguyễn Đăng An, ý tưởng là vậy nhưng khi triển khai gặp không ít khó khăn, các em phải đầu tư suy nghĩ, trăn trở để tìm lời giải. Vì vậy, ngoài thời gian dành cho học tập các em còn phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi tài liệu, thử nghiệm, trao đổi với nhau hàng ngày, thậm chí có lúc tranh cãi để tìm ra một phương án tốt nhất cho việc trồng rau trên mái nhà cao tầng, tại các khu đô thị.

Em Châu Anh cho biết qua tìm hiểu cho thấy, hiện tại trong các khu nhà cao tầng đều có phần mái nên tận dụng khoảng không đó, chúng em thiết kế xây những luống rau, sau đó đổ đất vào để trồng những loại như rau muống, bắp cải, su hào và một số loại rau thân bò.

Để rau có thể sống ở môi trường khắc nghiệt, hai "nhà khoa học" đã thiết kế mái che, rãnh thoát nước, vòi phun nước tự động theo giờ định sẵn. Như vậy vừa có ánh sáng, đảm bảo đủ nước để rau sinh trưởng phát triển tốt.
Ngày 11/5, tại thủ đô của Malaysia, mô hình "Hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong các khu đô thị" đã được vinh danh với phần thưởng xứng đáng là chiếc huy chương vàng. Ban tổ chức còn trao cúp vàng cho mô hình vì ý tưởng xuất sắc nhất trong cùng một loại đề tài, hạng mục tham gia.

Gương mặt sáng ngời, với cách trò chuyện đầy tự tin và thông minh, Nguyễn Châu Anh và Nguyễn Đăng An đều khiêm tốn cho rằng, đây là một kết quả bất ngờ ngoài mong đợi.

Ngoài nghiên cứu khoa học, trong học tập cả hai em đều là những học sinh giỏi. Thầy giáo Phạm Quý Thái, giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Đăng An tự hào nói về cậu học trò của mình: Đăng An học đều các môn, tiếp thu bài nhanh, hòa đồng với các bạn trong lớp. Đặc biệt, An thể hiện rõ tố chất của một người làm khoa học nghiên cứu, luôn điềm tĩnh, chủ động tìm tòi kiến thức.

Thầy Thái cho biết thêm, đề tài của các em đã được trao giải nhì cuộc thi do Quỹ Vifotec Việt Nam tổ chức năm 2012.

Còn em Nguyễn Châu Anh, từng là thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Hóa trường chuyên Hà Nội-Amsterdam. Trong các năm học qua, em đều là học sinh giỏi toàn diện. Hiện em là lớp trưởng và đang tham gia Câu lạc bộ hùng biện của trường.

Ước mơ của Châu Anh cũng như Đăng An sẽ trở thành nhà khoa học về môi trường. Để thực hiện ước mơ mở bầu trời tri thức, "đôi bạn cùng tiến" đang đầu tư nhiều thời gian để nâng cao kiến thức tiếng Anh và dồn sức cho ôn thi đại học.

Ý tưởng xuất phát từ cuộc sống hàng ngày, được giải thưởng quốc tế, đem lại niềm tự hào không chỉ cho gia đình, bạn bè, thầy cô, mà cả quốc gia. Đây là thành tích lớn nhất mà cả hai em đạt được, nó sẽ là điểm tựa để cho Châu Anh và Đăng An, tiếp tục học tập, phấn đấu, cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà.

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch dinh dưỡng được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đây là phương pháp đơn giản giúp người dân thành thị có thể tự trồng rau sạch để ăn, là thú tiêu khiển, thư giãn cho người có cường độ làm việc cao như hiện nay, phù hợp cho người lớn tuổi, người về hưu và trẻ em.

ƯU ĐIỂM:
1. Không phải làm đất không có cỏ dại.
2. Trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới.
3. Không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại.
4. Năng suất cao hơn từ 25% đến 50%.
5. Sản phẩm hoàn toàn sạch đồng nhất.
6. Người gìa yếu trẻ em có thể tham gia có hiệu quả.
7. Không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.

HƯỚNG DẪN TRỒNG:

1.Chuẩn bị dụng cụ:

   -Khay trồng:Thùng xốp 30l.
   -Tấm trồng: Tấm xốp dày 50mm cắt lọt lòng bên trong thùng xốp ( hoặc nắp đậy thùng xốp) khoan lỗ vừa với rọ trồng, phủ nilong đen.
   -Rọ trồng: chọn loại có chiều cao nhỏ hơn 50mm cỡ 47mm là vừa.
   -Giá thể trồng ( sơ dừa+ perlit).
   -Hạt giống.
   -Dinh dưỡng HYDRO GREENS.
2. Gieo hạt:

Ngâm hạt giống 4 tiếng trong nước ấm trước khi gieo.
Cho giá thể vào rọ.
Gieo hạt vào ly: 5-10 hạt vào mỗi rọ, phủ lớp mỏng giá thể lên phía trên hạt đã gieo.
Tưới phun nước hằng ngày cho đến khi cây được 5-6 ngày tuồi, bén rể, có một hai lá non có khả năng hút nước thì pha dinh dưỡng đổ vào khay trồng

3. Cách pha dinh dưỡng:

Pha 30ml dung dịch HYDRO GREENS part A và 30 ml dung dịch HYDRO GREENS part B với 10 lít nước thành dung dịch để trồng
Đổ dung dịch đã pha vào khay trồng đến 2/3 chiều cao khay trồng, (tương đương 20l)
Cho tấm trồng vào khay trồng.
DSC03250
4. Chăm sóc:

Khoảng 3-4 ngày/ 1 lần mờ nắp khay, khuấy đều dung dịch để sục khí giúp cây tăng trưởng nhanh hơn
Quan sát mực dung dịch dinh dưỡng trong khay để châm thêm ( thông thường khoảng 7-10 ngày thì châm thêm dinh dưỡng 1 lần đến mức 2/3 khay như cũ.

Hiện nay, người trồng rau lạm dụng phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc trừ sâu để thu lợi nhuận cao nên rất có hại cho sức khoẻ về lâu dài nếu thường xuyên ăn các loại rau cải.

Để bảo vệ sức khoẻ cả nhà và giải trí mỗi ngày sau giờ làm việc, mỗi gia đình có thể tận dụng diện tích sân trước nhà, sân thượng, ban công trồng các loại rau tại nhà theo hướng dẫn sau.

Cây giống :


- Hạt giống cải ngọt/bẹ xanh, dền, rau muống: 2 gr

- Khay xốp có kích thước: 35 x 45 x 15cm (hoặc khay tre hay rổ nhựa có lỗ nhỏ)

- Đất sạch dinh dưỡng:10dm3

- Better NPK 16-12-8-11+TE: 200g

- Đất cát pha: 5dm3

- Nước sạch

- Bình xịt 1,5 l ít.

Điều kiện trồng:


- Nhiệt độ: 25 – 300C

- Ánh sáng trực tiếp

- Ẩm độ: 70 – 90%

Kỹ thuật trồng rau sạch tại nhà:


1. Hạt giống ngâm khoảng 1 giờ trong nước ấm (tỉ lệ pha: 2 sôi + 3 lạnh). Sau đó ủ ấm trong 1 ngày.

2. Cho đất sạch Better vào khay trồng (chừa lại 1 ít để rãi trên bề mặt), phả bằng phẳng, tưới nước đủ ẩm, nếu trồng rau cây lớn mới thu hoạch hoặc trồng rau lấy quả thì chúng ta pha thêm 5dm3 đất cát pha(mục đích giúp bộ rễ chắc chắn hơn, nếu sân thượng khuất gió thì chúng ta không cần sử dụng đất cát pha).

3. Rãi hạt thành hàng, hàng cách hàng 10 cm. Rãi tiếp 1 lớp đất mỏng phủ lên hạt.

4. Tưới nước để giữ ẩm cho hạt

Trước những mối lo ngại về chất lượng thực phẩm, nhất là rau củ, một số gia đình đã lựa chọn cách làm thông minh, đó là tự trồng rau sạch tại nhà. Dưới đây là kỹ thuật trồng cây, rau sạch cơ bản.


Kỹ thuật trồng cây rau sạch trong hộp xốp rất dễ thực hiện, chỉ cần bỏ chút công sức và thời gian chờ đợi, những đợt rau sạch tự tay trồng đảm bảo an toàn sẽ đến ngày thu hoạch.

Cách trồng rau sạch tại nhà thì trồng bằng chậu xốp là đơn giản và dễ thực hiện nhất. Ngoài ra, có thể tận dụng thau, rổ, chậu cũ…. để làm vật dụng trồng rau, lưu ý tạo lỗ thoát nước cho những vật dụng này.

Chuẩn bị vật dụng trồng rau


Sử dụng các vật dụng đơn giản có trong gia đình để tạo nên các chậu trồng cây. Với chậu xốp, cần khoét lỗ thoát nước, thường thì từ 6 đến 8 lỗ 1 chậu, không nên khoét to quá, sẽ làm trôi đất, nếu trồng các loại cây cần thoát nước nhanh, có thể dùng lưới thép hoặc lưới nhựa bịt các lỗ vừa khoét trong hộp, vừa đảm bảo thoát nước vừa không bị trôi đất.

Kỹ thuật trồng rau sạch trong chậu xốp tại nhà đơn giản
Cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho kỹ thuật trồng cây, rau sạch tại nhà.

Với các loại thau, chậu, rổ cũ, nên chọn loại nhựa để bền và dễ vệ sinh. Cũng cần đục lỗ giống như hộp xốp để thoát nước,với các loại rổ đã có lỗ, có thể lồng 2 chiếc vào nhau làm 1 chậu để trồng, sẽ bền và tránh mất đất. Tất cả các loại chậu để trồng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất bằng cách kê cao 4 góc.

Ngâm ủ hạt giống, gieo hạt


Các loại hạt giống như: Rau dền, xà lách, rau cải,... tương đối dễ nảy mầm nên có thể gieo trực tiếp vào thùng mà không cần ủ nước ấm trước.

Tuy nhiên để đảm bảo hạt giống rau có tỷ lệ nảy mầm cao nhất nên ủ như sau:

- Bước 1: Cần phải ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỷ lệ 2 phần nước sôi + 3 phần nước lạnh từ 2 - 6h (hạt dầy vỏ ngâm lâu hơn hạt có vỏ mỏng).

- Bước 2: Sau khi ngâm vớt hạt ra ủ lại bằng khăn vải từ 12 - 48h (tùy theo loại hạt).

- Bước 3: Khi thấy hạt mọng nước và bắt đầu nứt vỏ hạt, lấy hạt ra khỏi khăn, sau đó rải đều hạt trên mặt khay. Khi gieo hạt nên trộn ít dầu hôi để tránh côn trùng tha. không nên để hạt ra rễ quá dài rồi mới đem gieo tránh tình trạng đứt rễ non.


Kỹ thuật trồng rau sạch trong chậu xốp tại nhà đơn giản
Hạt giống được ngâm đúng kỹ thuật trồng cây sẽ có tỉ lệ nảy mầm cao hơn.

Không gieo quá nhiều hạt giống vào một thùng. Có thể trồng các loại rau thơm như bạc hà, húng,... cùng một thùng, tuy nhiên những loại cây như ớt, cà chua, dưa chuột,... nên trồng riêng ở các thùng khác nhau. Sau khi gieo hạt, dùng vải mỏng phủ lên đễ giữ ấm, kích thích hạt nảy mầm nhanh.

Chuẩn bị đất trồng


Hiện nay đã có một số loại đất sạch đóng túi, chuyên phục vụ nhu cầu trồng rau trong nhà. Nếu không, có thể chuẩn bị đất bằng cách, lót 1 lớp giá thế như xơ dừa, các loại xơ quả vừa dễ thoát nước mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng tốt cho cây. Trên là lớp đất thịt pha trộn với phân chuồng hoại mục, xơ dừa, tro trấu và bón lót phân hữu cơ khoáng hoặc phân hữu cơ vi sinh.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia thì để trồng rau ăn trong nhà thì ban đầu nên trộn khoảng 10-30% phân bón là vừa đủ.

Chăm sóc hàng ngày


- Tưới nước: Mùa nắng tưới ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Mùa mưa tùy theo thời tiết mà tưới tránh tưới nhiều nước làm cây còi cọc không phát triển được. Đối với cây rau còn nhỏ khi gặp trời mưa cần che chắn tránh úng. Vào thời tiết nắng nóng có khi 2-3 lần/ngày. Vào mùa đông thường 1-2 ngày mới tưới một lần. Tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, bã chè, bã cà phê để tưới và bón cây hàng ngày.

Cần chú trọng tưới nước trong kỹ thuật trồng cây, rau sạch tại nhà.

- Ánh sáng: Cây muốn phát triển mạnh nhất thiết phải đưa ra nơi có nhiều ánh sáng và nắng. Tuy nhiên cây còn non nên để nơi có nhiều sáng nhưng không trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

- Tỉa thưa và sang khay: Đây là bước nhằm tạo không gian, cung cấp chất dinh dưỡng giúp rau nhanh lớn và rút ngắn thời gian thu hoạch.

Với những chiếc bao tải, chai nước, túi vải…tưởng chừng bỏ đi người dân vẫn có thể tạo ra những vườn rau nơi nhà phố siêu độc.


Vườn rau từ những chai nhựa là cách chị Nguyễn Thị Thu Phương ở Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) tận dụng để có rau sạch cung cấp cho cả gia đình. Theo chị Phương, trước kia khi dùng hết dầu ăn hoặc nước ngọt trong chai chị thường gom lại để bán cho hàng đồng nát hay cho mấy cô công nhân thu gom rác nhưng trong xóm. Nhưng từ lần học được cách tái chế chai nhựa thành chậu trồng rau trên các diễn đàn mạng xã hội, chị bắt đầu tích cóp đủ các loại chai nhựa không dùng đến ở trong nhà để tạo ra cho gia đình một vườn rau sạch.


Với nhiều loại chai nhựa khác nhau vườn rau của chị Phương cũng sinh động với nhiều kiểu thiết kế tiện dụng. Với kiểu trồng rau trong chai nhựa này, chị có thể đặt trên sân thượng bất kỳ khu vực nào có chỗ trống hoặc dùng dây treo lên tường, mái hiên, cửa sổ....


Lạ mắt với vườn rau, hoa treo trước hiên nhà

Trên các trang mạng xã hội, nhiều mô hình rau sạch siêu độc cũng được nhiều nhiều người chia sẻ. Không chỉ tận dụng những chai nhựa như chị Phương, rổ rá, xoong chảo cũng được nhiều bà nội trợ sử dụng để trồng rau.

Thậm chí những đôi dép cũng có thể thiết kế thành vườn rau, vườn hoa rực rỡ màu sắc. Nhìn khu vườn từ những đôi dép của chị Vũ Ngọc Hà My ở Ngọc Khánh (Ba Đình) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng thích thú.

Những đôi dép bỏ đi được tận dụng triệt để không chỉ trồng rau mà còn có thể trở thành những vườn hoa xinh xắn, độc đáo.


Jina

So với trồng và chăm sóc bình thường trên đất, phương pháp khí canh cho năng suất ít nhất cao gấp 2 lần; tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần và tiết kiệm hơn 70% nước tưới

Huỳnh Thúy Oanh và Hoàng Hiểu Phú, hai sinh viên Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, đã nghiên cứu thành công phương pháp khí canh trong trồng trọt.

Cố định bộ rễ trên không

Thúy Oanh cho biết sở dĩ cô cùng Hiểu Phú quyết định nghiên cứu trồng rau xanh bằng phương pháp khí canh vì xem báo thấy bộ đội và nhân dân Trường Sa gặp khó khăn trong việc trồng rau do thiếu nước tưới. Điều thuận lợi là ưu thế vượt trội của công nghệ khí canh trong nông nghiệp đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh.


Mô hình trồng rau theo phương pháp khí canh. Ảnh:Đông Phương.

Trong phương pháp khí canh, cây được cố định trong không trung và dung dịch dinh dưỡng được phun sương trực tiếp vào bộ rễ. Do bộ rễ được cố định trên không trung nên được “thở” tối đa, cộng với sự phun sương của dung dịch dinh dưỡng nên sẽ có nhiệt độ thấp hơn so với môi trường và thân (do hiệu ứng bốc hơi). Vì vậy, cây sẽ phát triển nhanh chóng hơn so với các phương pháp khác. Dung dịch dinh dưỡng còn thừa sẽ được thu lọc và tái sử dụng, do đó tiết kiệm được một lượng lớn nước tưới và chất dinh dưỡng.

Ở môi trường nhiều gió như Trường Sa, nếu muốn áp dụng khí canh, cần có nhà kính để hạn chế sức gió và sự thất thoát hơi nước với chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho một nhà kính 25 m2, nếu mở rộng lên 100 m2, chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng. Ở vùng khí hậu thuận lợi, sử dụng giàn che thay nhà kính nên sẽ giảm nhiều chi phí. Những người ở thành thị rất dễ dàng áp dụng nếu nhà có sân thượng. Dung dịch dinh dưỡng để phun vào rễ cây có chứa các chất tương tự như trong đất và người dân có thể mua dễ dàng tại những điểm dịch vụ nông nghiệp.

Tính khả thi cao

Qua thử nghiệm với các loại cải xanh, cà chua, khoai tây, rau muống… trồng trong nhà kính bằng phương pháp khí canh, nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả khi so với trồng và chăm sóc bình thường trên đất trong cùng một diện tích thì phương pháp khí canh cho năng suất ít nhất cao gấp 2 lần; sức tăng trưởng cũng nhanh gấp 2,5 lần; tiết kiệm hơn 70% nước tưới. Vì thế, lợi nhuận trung bình luôn cao hơn từ gấp đôi trở lên chưa kể cùng thời gian nhưng canh tác được nhiều vụ hơn. Nếu không trồng trong nhà kính mà trồng dưới giàn che thì lợi nhuận còn cao hơn.

Một số kết quả khác nghiên cứu ghi nhận được là do rau trồng không tiếp xúc với đất nên không bị sâu bệnh tấn công. Nếu trồng trong nhà kính thì sự xâm nhập của côn trùng từ môi trường bên ngoài được hạn chế tối đa. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, hầu như không phải sử dụng đến các loại hóa chất, thuốc trừ sâu… nông phẩm. Rau thu hoạch đạt tiêu chuẩn của rau sạch. Đặc biệt là có thể trồng trái vụ mà các loại rau vẫn cho năng suất cao.

Hiện kết quả nghiên cứu này đang được triển khai thử nghiệm trên thực địa tại Trường Sa.

PGS-TS Vương Thị Bạch Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết với kết quả thu được, mô hình nghiên cứu này mang tính khả thi cao và có thể áp dụng rộng rãi. Đề tài nghiên cứu này đã giành giải nhất cuộc thi S-Ideas 2009, do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM tổ chức; giải ba cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM 2010.

"Chỉ cần một hộp xốp, một chiếc máy bơm, một giàn bơm tự chế với tổng kinh phí chưa tới 1 triệu đồng/m2, các gia đình có thể tự tạo được một hệ thống trồng rau bằng khí canh."
(GS-TSKH Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội)